Nhà hộ sinh Đống Đa khang trang, nhưng vắng sản phụ. Ảnh: D.Hải
Nhà hộ sinh “ế” sản phụ
(LĐ) - Số 188 - Thứ ba 14/08/2012 06:41
TP.Hà Nội hiện có 4 nhà hộ sinh (gồm nhà hộ sinh A Ngô Quyền; nhà hộ sinh B Lò Đúc; nhà hộ sinh Đống Đa, nhà hộ sinh Ba Đình) được đầu tư khá khang trang, sạch sẽ. Tuy nhiên, cả 4 nhà hộ sinh này đang chung số phận: Hoạt động èo uột, dư thừa cơ sở vật chất, nhưng lại thiếu vắng sản phụ.
Trong khi đó, tại các BV: Phụ Sản Hà Nội, Phụ Sản T.Ư lúc nào cũng quá tải.
Èo uột…
Đã hơn 10h sáng 10.8, nhà hộ sinh Đống Đa nằm trong ngõ Thổ Quan (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa) vẫn khá vắng vẻ. Ngay cổng vào chỉ lèo tèo vài ba chiếc xe máy, đa phần là của nhân viên làm việc tại đây, còn số bệnh nhân đến khám chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Rảnh rỗi, hai nhân viên mặc áo blouse vừa ngồi trò chuyện, vừa nhặt rau trước cửa. Tại tầng 1, nơi có phòng khám thai, phòng siêu âm, phòng khám phụ khoa lác đác có vài sản phụ đến khám thai định kỳ và hai phụ nữ tuổi trung niên đến khám phụ khoa. Lên tầng 2 (bao gồm các phòng chờ đẻ, phòng đẻ, phòng thủ thuật, phòng hồi tỉnh) thì tuyệt nhiên không một bóng người, không gian im lắng lạ lùng.
Chị T.V khám thai tại đây cho biết: “Từ lúc mang thai, tôi đã đăng ký khám ở nhà hộ sinh. Ở đây không gian sạch sẽ, nhân viên y tế lại nhiệt tình chu đáo chứ không chen chúc, phức tạp như trong bệnh viện”. Tuy nhiên khi nói đến chuyện sinh nở, thai phụ này lại thỏ thẻ “nhất định phải vào bệnh viện sinh mới cảm thấy an tâm được”.
Tương tự, nhà hộ sinh B Lò Đúc, nhà hộ sinh Ba Đình, nhà hộ sinh A Ngô Quyền cũng trong tình trạng vắng vẻ, khác hẳn với khung cảnh ồn ào, ăn chực nằm chờ tại các BV phụ sản trên địa bàn Hà Nội. Thi thoảng lắm người ta mới nghe được giọng một vài phụ nữ nói chuyện với nhau.
Vài chục năm trước, hầu hết các bà bầu đều chọn nhà hộ sinh là nơi “khai hoa nở nhụy”, tiếng trẻ khóc chào đời không phải là hiếm, thế nhưng nay, có khi cả ngày nhà hộ sinh cũng chẳng đỡ ca sinh nào. Thậm chí, khi hỏi chuyện một số bà bầu họ còn không hề hay biết Hà Nội có nhà hộ sinh. Số khác thì nói rằng, họ cũng muốn vào nơi rộng rãi, thoáng mát để sinh, nhưng vẫn cứ phải ghi tên vào BV phụ sản mới an tâm được.
“Chuyện sinh nở rất quan trọng và nhiều khi khó lường, nhất là khi có biến chứng gì liệu có xử lý kịp?” - thai phụ Lê Thị Hường (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) chia sẻ.
Đầu tư khang trang rồi… để đấy
Liên hệ làm việc để tìm hiểu nguyên nhân do đâu mà nhà hộ sinh dù khang trang, nhưng lại “ế” sản phụ đến vậy, các trưởng nhà hộ sinh - người thì vắng mặt, người viện lý do bận nên không thể tiếp.
Hỏi chuyện một nhân viên y tế tại nhà hộ sinh Đống Đa được biết, năm 2010, cơ sở này đã được TP.Hà Nội đầu tư xây mới khang trang với 3 tầng đẹp đẽ, trang bị thêm các trang thiết bị phục vụ cho việc sinh đẻ. Dù vậy, nhưng các sản phụ vẫn không mấy mặn mà đến sinh tại đây do phân cấp về thủ thuật khiến chị em… ngại. Chẳng hạn: Nhà hộ sinh chỉ được đỡ đẻ thường, không được mổ đẻ; điều này vừa không đáp ứng được yêu cầu của số đông sản phụ, lại vô tình hạn chế chuyên môn của bác sĩ.
Trong kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển hệ thống y tế TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đối với mạng lưới bệnh viện công lập, Sở Y tế Hà Nội cho hay sẽ nâng cấp 15 bệnh viện; mở rộng và nâng cấp 5 bệnh viện với tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ý kiến cho rằng thay vì xây mới, nên chăng ngành y tế thủ đô cần xem xét cải thiện cơ sở hộ sinh, tăng cường kỹ thuật, trang thiết bị, mạnh tay để họ làm các thủ thuật sinh nở… để người dân tin tưởng tìm đến, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.