10 ans d'esclavage m'ont fait oubliée que j'étais un être humain
"j'ai même oublié ma date de naissance..."
VnMedia: - Xa hôi social -> 10 năm làm nô lệ quên mình đã là người
VnMedia 06/11/2007 -
(VnMedia) - Bình xuất hiện trước chúng tôi với những bước chân tập tễnh, lưng em phải cố lắm mới có thể đứng thẳng được sau hơn chục năm sống trong “địa ngục”. Em thậm chí còn không nhớ nổi ngày sinh của mình, họ của bố, mà chỉ nhớ trong đầu những trận đòn tàn khốc.
Sáng ngày 20/10, sau trận đòn tàn ác của ngày hôm trước, Bình không về nhà mà lén quay lại chợ gặp bác Bình. Bác Bình đã thuê xe ôm đưa Bình vào trong trang trại của con gái bác ở Hà Tây để trú ẩn.
Hơn 10 ngày thoát khỏi chốn khổ đau, Bình mới trấn tĩnh được.
Những đòn “tra tấn ở địa ngục trần gian”
Phải đến hơn 10 ngày sau khi thoát khỏi chốn kinh hoàng ấy, khi thực sự cảm thấy an toàn, Bình mới nghẹn ngào kể lại cho chúng tôi những gì đã diễn ra. “Mỗi lần đánh vỡ một cái bát, chẳng may đánh đổ nước ra sàn nhà, ông bà chủ lại đánh. Bà chủ đánh nhiều hơn. Khi thì bà cầm cây sào phơi quần áo chọc vào chân, bắt cháu nằm trên sàn nhà, dùng dây điện vụt vào người. Mà dây điện thì chập làm bốn và luôn trực sẵn để trút xuống đầu cháu”- Bình nức nở.
Còn ông chủ quán phở, không đánh thì thôi, mỗi lần cần “dạy bảo” Bình là dùng kìm kẹp vào sườn em lôi đi theo hướng mà ông muốn. Tàn ác hơn, có những hôm mưa phùn gió bấc lạnh cắt thịt, em bị phạt quỳ ngoài sân từ 4 giờ chiều đến 1 giờ sáng trong tình trạng không mảnh vải che thân và cả ngày không được ăn uống gì.
Những vết "đòn thù" vẫn còn in hằn trên lưng em, nhiều vết bị nhiễm trùng mưng mủ
Công việc tối mắt nhưng Bình thỉnh thoảng lắm mới dám lén xem tivi vì em rất thích chương trình “Nhật ký Vàng Anh”. Chỉ cần ông bà chủ nhìn thấy xem là những trận đòn oan nghiệt lại phủ lên người cô gái. Bình kể: “Thậm chí ngay cả khi không vì lí do gì ông chủ cũng lôi cháu ra đánh, đánh chán rồi mới hỏi nguyên nhân”.
Thế nhưng trận đòn hung tợn nhất là lần em vô ý để lăn cái thớt vào chân bà chủ. Ngay lập tức, Trịnh Hạnh Phương cầm con dao chọc tiết gà đâm thẳng vào chân cô và nói: “Mày làm tao đau thì tao phải làm cho mày đau hơn. Lúc ấy cả chợ cũng đều biết”, vừa kể Bình vừa chỉ vào vết sẹo trên bắp chân em còn hằn rõ.
“Mày mà trốn thì tao đánh cả mày lẫn người chứa mày”
Nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi sao em không trốn đi hay thông báo cho chính quyền thì Bình cho biết ông bà chủ quản lý em rất chặt và luôn dò xét em. Thậm chí đi xách nước cũng không được quá 5 phút bởi nếu quá là bị bà chủ hắt muôi nước sôi trần phở vào người.
Khi có việc phải đi đâu ra ngoài thì Bình phải nói lí do là bị ngã nên dẫn đến xây xát. Cô chủ còn đe doạ: “Mày mà trốn đi thì tao đánh cả mày lẫn người chứa mày”. Ngay cả khi có người ở quê lên báo bà em mất cô chủ cũng không cho về. Khi em xin về quê để làm giấy khai sinh thì cô chủ nói: “Mù chữ như mày thì cần gì giấy khai sinh?”
“Cháu xin mọi người đừng nhắc đến mẹ cháu nữa”
Bình đã nấc nghẹn khi được hỏi về người mẹ của mình, người đã bỏ em mà đi hơn chục năm nay, mà nghe người dân chung quanh kể cũng bị ông bà chủ đánh đến gãy tay phải bỏ đi. Từ đấy mẹ Bình cũng không một lần về tìm con gái mà có tin cho rằng bà ta đã lấy chồng tận bên Trung Quốc. Còn Bình, những chuỗi ngày tủi nhục, đắng cay dường như mới chỉ bắt đầu khi mẹ em bỏ đi.
Trong trí nhớ của Bình chỉ còn nhớ được tên của bố là Hữu chứ không nhớ nổi họ, thậm chí em chỉ nhớ năm sinh của mình chứ không nhớ ngày. Trong đầu em giờ chỉ nhớ đến những trận đòn như đối với kẻ thù của ông bà chủ. Khi được hỏi giờ đây, qua cơ quan báo chí, cháu có muốn tìm gặp lại mẹ và những người thân không thì Bình nấc nghẹn: “Cháu chỉ muốn ở với bác (bác Bình - PV) chứ cháu không muốn gặp mẹ cháu. Cháu không ngờ mẹ cháu lại bỏ cháu mà đi!”