Nghe bác sĩ phụ khoa nói màng trinh của mình đã rách, Hiền kêu toáng lên rồi lắc đầu: “Sao lại thế được ạ, cháu đã ‘ấy’ bao giờ đâu. Mà vừa lần trước bác khen cái của cháu rất đẹp mà”.
Sau một hồi trò chuyện với bác sĩ, Hiền chợt nhận ra rằng, chính loại băng vệ sinh hiện đại mình mới dùng trong kỳ nguyệt san trước là thủ phạm.
Hiền (22 tuổi), sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, nghe quảng cáo về loại băng vệ sinh tiện dụng, giúp bạn gái năng động và thoải mái trong các ngày “đèn đỏ”, cô mua về dùng và thấy hơi đau ở vùng kín. Mấy ngày sau, đi khám phụ khoa, Hiền ngã ngửa khi nghe bác sĩ nói màng trinh của mình đã rách, dù trong đợt khám trước đó 2 tháng, cô vừa được vị bác sĩ quen khen có “cái ngàn vàng” rất đẹp.
“Cháu chưa từng quan hệ tình dục, cũng chẳng có hoạt động gì mạnh trong thời gian gần đây, tai nạn cũng không gặp phải gì hết, tại sao lại thế ạ?”, cô gái trẻ thảng thốt hỏi. “Chẳng lẽ là tại cái tam pon”, Hiền ngớ người.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội, rách màng trinh là một trong những tai nạn có thể xảy ra khi sử dụng tam pon – một dạng băng vệ sinh dạng bấc gạc cuộn tròn, được đặt vào bên trong âm đạo. Một số thiếu nữ có cấu tạo lỗ màng trinh rất nhỏ, có người chỉ bằng đầu đũa, nên việc đặt tam pon có thể gây đau, làm tổn thương “cái ngàn vàng”. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, những thiếu nữ chưa có quan hệ tình dục không nên sử dụng tam pon.
Bác sĩ Kim Dung cho biết, thực tế, từ lâu, băng vệ sinh dạng tam pon được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được không ít phụ nữ ưa chuộng vì tính tiện dụng của nó. Vì được đưa vào trong âm đạo, khả năng thấm hút cao, nên tam pon không bị xô lệch, giúp chị em không lo ngại khi diện trang phục, thậm chí, họ có thể thoải mái hoạt động trong những ngày đèn đỏ, kể cả việc bơi lội.
Tuy nhiên, tam pon cũng có những điểm bất tiện mà chị em khi sử dụng phải lưu ý. Đây là loại băng vệ sinh đặt trong, nên bị yếm khí, không thông thoáng, thường dễ gây viêm nhiễm hơn các loại băng vệ sinh bình thường khác. Ngoài ra, một số người không hiểu rõ việc sử dụng nên cũng dễ có những tai nạn đáng tiếc. Bà nhớ rõ một trường hợp mới đến khám tại trung tâm.
Đó là Hà, một cô gái 28 tuổi người Hà Nội. Mấy tuần trước, Hà bị đi nghỉ mát cùng cơ quan thì phát hiện mình bắt đầu “bị”. Là người năng động, ham vui, cô không muốn mình đi nghỉ mà lại cứ phải ngồi co ro một chỗ nên hỏi bạn bè và được mách sử dụng tampon sẽ rất hữu ích, có thể bơi lội, hoạt động thoải mái mà không ảnh hưởng gì. Hà đã đi mua về và sử dụng luôn.
Thế nhưng, trong đợt đi nghỉ, sau một hồi xuống nước, Hà lo sợ khi định thay tam pon thì không thể lôi ra được nữa. Cô gái sợ hãi loay hoay không biết làm thế nào và đã cố gắng chịu đựng suốt hai ngày sau đó vì không thể mua vé đi về trước mọi người hay tìm một phòng khám phụ khoa ở gần khu nghỉ.
Về tới Hà Nội, Hà mới đến phòng khám phụ khoa và nhờ bác sĩ dùng thủ thuật gắp miếng tam pon ra. Khi đó, vùng kín của cô đã bị viêm nhiễm nặng, bốc mùi rất khó chịu. Hà phải điều trị một đợt kháng sinh, đặt thuốc và từ đó cô “dị ứng” luôn với dạng băng vệ sinh thế hệ mới này.
Bác sĩ Kim Dung cho biết, thực tế, chỉ cần biết cách sử dụng đúng, chọn loại tam pon có kích cỡ phù hợp, chất lượng tốt, có xuất xứ rõ ràng, tuân theo những quy tắc vệ sinh như: thay băng thường xuyên (lâu nhất là sau 4 giờ), rửa sạch tay trước mỗi lần cho vào hay lấy ra cũng như vệ sinh vùng kín khi đó… thì sẽ tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
VNE