Thứ tư, 5/12/2012, 10:59 GMT+7
Gái 14 tuổi đã 3 đời chồng
Thích thì về ở với nhau, không thích thì bỏ, tập tục ấy khiến nhiều cô gái dân tộc Mông ở bản Hoàng Liên Sơn 1, xã Nậm Xe (Phong Thổ, Lai Châu) mới 14 tuổi đã 3 đời chồng. Gái ngoài 20 ở đây bị coi là "hết hạn sử dụng".
Từ trung tâm xã Nậm Xe, hỏi đường đi bản Hoàng Liên Sơn 1, khách được người dân cảnh báo hôm nay trời không mưa các anh đi xe máy được, nhưng vào trong bản nếu mưa xuống thì ở lại với bà con luôn nhé. Con đường đất lên dốc xuống đèo đi bộ còn khó, chứ đừng nói đi xe máy.
Bản Hoàng Liên Sơn 1 nằm ở độ cao 1.500 m trên dãy núi Hoàng Liên Sơn. Cả bản có 64 hộ với 305 nhân khẩu dân tộc Mông sinh sống. Người Mông ở đây xem chuyện hôn nhân là ý riêng của mỗi người. Khi đến tuổi thích thì đến với nhau, luật pháp chẳng can hệ gì. Các nam thanh, nữ tú đến tuổi dậy thì cũng là lúc nghĩ đến cuộc sống vợ chồng.
Những cô gái ở bản Hoàng Liên Sơn 1 chưa đủ 18 tuổi nhưng tay bồng tay bế con. Ảnh: Nông nghiệp VN.
Ông Lìu A Phong, trưởng bản than thở người dân còn nghèo lắm, trình độ nhận thức thấp nên các hủ tục vẫn chưa thay đổi. Năm nay có đến 8 cặp tảo hôn. Bản biết, xã biết nhưng không có cách nào ngăn chặn được. Chuyện cưới hỏi là do họ quyết định, thích về ở nhau, không thích thì bỏ. Cũng vì thế ở bản có những cô gái 14 tuổi đã 2-3 đời chồng.
Trong 8 cặp tảo hôn, đến nay có 3 cặp đã bỏ nhau, có người đã đi lấy chồng khác. “Ở đây có quan niệm, con gái trong vùng từ 13 đến 16 tuổi là đã bắt chồng. Sơn nữ nào cao số đến 16 tuổi mà vẫn chưa bắt được chồng thì bị xếp vào hàng gái già, sẽ không được chàng trai nào ngó ngàng tới nữa. Còn quá 20 tuổi thì hạn sử dụng đã hết", trưởng bản Phong tâm sự.
Mặc dù mới 14 tuổi nhưng Vàng Thị Dờ (sinh năm 1998) đã có 3 đời chồng. Đến nhà Dờ, bà Vàng Thị Mỹ (mẹ Dờ) kể, đợt tết vừa rồi, Dờ xuống chợ chơi gặp bạn. Hai đứa về ở với nhau một tháng nhưng không hợp nên chia tay. Tiếp đến, Dờ lại quen được người khác và kéo về làm vợ. Cũng giống như người chồng trước, họ không ở được với nhau. Bà Mỹ không nhớ nổi tên hai con rể trước, chỉ nhớ chàng rể thứ ba.
Trường hợp mới bỏ chồng gần đây nhất là em Vàng Thị Mẩy (sinh năm 1997). Trưởng bản Phong cho hay, cách đây 3 tháng, cả bản “đánh chén” đám cưới Mẩy, ấy vậy mà sau gần một tháng đã bỏ chồng rồi. Mẩy kể, gia đình đông người nên em học đến lớp 4 đã nghỉ học. Nhà nghèo không có tiền cho đi học tiếp. Tết năm vừa rồi, em theo mấy đứa bạn xuống chợ Mường So (huyện Phong Thổ) chơi xuân. Tại đây em giao lưu với nhiều chàng trai khác và thích anh Giàng A Tua, ở xã Dào San (Phong Thổ). Sau phiên chợ hai người đã biết nhau và đi chơi. Sau mấy lần Tua về nhà chơi và hai đứa tổ chức đám cưới.
Hỏi vì sao lấy chồng sớm thế, Mẩy bộc bạch: “Đám bạn cùng lứa với em đã bắt chồng hết rồi. Nhiều đứa bằng tuổi nhưng lấy chồng sớm hơn em 1-2 năm. Nó đã có con bồng, con bế nên em cùng phải lấy. Ở đây như em là muộn rồi muộn rồi!”.
Gương mặt còn non trẻ nhưng em Vàng Thị Mẩy đã có một đời chồng. Ảnh: Nông nghiệp VN
Từ chuyện lấy chồng sớm này, các cặp vợ chồng không chỉ sớm lên chức cha mẹ, mà hiển nhiên họ cũng nhanh chóng làm ông, bà khi còn rất trẻ, mới 30-40 tuổi. Một trong những trường hợp lên chức bố vợ ở tuổi 30 là Lìu A Dia (sinh năm 1982) có con gái là Lìu Thị Di (14 tuổi) đã có một đời chồng. Gia đình anh Dia có đến 6 người con, Di là con thứ hai. Tháng 6 vừa rồi, anh Dia mở tiệc mời bà con dân bản tiễn con về nhà chồng, ai ngờ được 2 tháng thì Di trở về nhà bố mẹ trong tiếng khóc nức nở.
Anh Dia kể: “Di nghỉ học từ lớp 5 để theo bố mẹ lên nương làm. Vừa rồi nó ra thị trấn chơi gặp người bên xã Dào San và hai đứa dắt nhau về xin bố mẹ cho cưới. Di về ở với chồng được một tháng thì quay về. Thấy nó về mang có mấy bộ áo quần, nó bảo chồng nó thích đi uống rượu và về hay đánh vợ nên Di bỏ chồng. Từ ngày nó về nhưng không thấy thằng chồng qua đây nữa, thỉnh thoảng chỉ alô cho nó thôi. Nếu hai đứa ở với nhau thì mình sắp lên chức ông ngoại rồi đó!”.
Anh Dia thành thật, Di lấy chồng bản, xã đều biết, nhưng không phạt được. "Xã có phạt thì mình lấy tiền đâu ra mà nộp. Một năm 12 tháng thì thiếu ăn mất 3 tháng, có tiền mua gạo, sắn về bỏ bụng chứ có tiền đầu mà nộp", anh Dia thủng thẳng cho biết.
Người lên chức ông ngoại sớm nhất bản là anh Thào A Tủa (sinh năm 1975). Anh Tủa có 6 người con thì nay có 2 con gái đi lấy chồng và sinh được 3 người cháu. Anh Tủa chia sẻ: “Mình đâu có biết vì sao phải lấy vợ sớm. Ngày ấy, thích nhau thì về bảo cha mẹ cho lấy chứ có biết gì đâu. Con mình cũng vậy, nó bảo muốn lấy chồng là mình đồng ý thôi, đó là ý của nó chứ đâu phải do mình. Mình cũng chẳng biết cháu mình nó mấy tuổi nữa, chỉ nhớ nó lớn gần bằng đứa con út của mình”.
Ông Lìu A Phong, trưởng bản Hoàng Liên Sơn 1, cho rằng việc các đôi trai gái lập gia đình sớm là do người dân ở đây ít tiếp xúc với cộng đồng nên không am hiểu về luật pháp. Do đó, họ cũng không biết nhắc nhở với con cái. Họ cho rằng, con cái lập gia đình càng sớm thì càng tốt vì nhà sẽ có thêm người đi làm nương. Việc kết hôn sớm, nhà lại nghèo, không có trình độ nên cuộc sống của những cặp vợ chồng trẻ hay cả vợ chồng già đều luẩn quẩn bên núi đồi, cái nương, cái rẫy, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Các ông chồng trẻ thường hay rượu chè nên làm các cô vợ trẻ không chịu nổi. Cũng vì thế vợ chồng trẻ thường bỏ nhau.
Theo
Nông nghiệp Việt Nam