ần đầu Việt Nam có tuyến đường trên cao dài 15 km dành riêng cho ôtô chạy suốt với tốc độ đến 100 km/giờ. Cao tốc này được kỳ vọng sẽ rút ngắn 50% thời gian di chuyển từ phía tây sang phía nam thủ đô, làm giảm ùn tắc.
Năm 2001, Thủ tướng quyết định đầu tư tuyến vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Linh Đàm theo 2 giai đoạn. Giai đoạn một xây dựng đường đô thị 4 làn xe cơ giới, giai đoạn 2 sẽ xây dựng tiếp đường trên cao với 4 làn xe đi giữa giải phân cách.
Uploaded with
ImageShack.us
Ở tuyến đường dành riêng này, ôtô được chạy với tốc độ tối đa 80 km một giờ.
Sau 9 năm, vành đai giai đoạn 1 (dài 10 km) được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện phát triển một loạt các khu đô thị, trung tâm hành chính nằm tại khu vực Mỹ Đình - phía tây thành phố. Một năm sau, đường trên cao dài 8,9 km được khởi công. Toàn tuyến bao gồm 385 m đường dẫn và 8,5 km cầu cạn chạy suốt với với 4 làn xe, chiều rộng mặt cầu 24 m, tốc độ tối đa 100 km/h. Dự án có vốn đầu tư 5.547 tỷ đồng, từ nguồn vay ODA của Nhật Bản.
Trong gần 3 năm, tuyến đường trên cao đã hoàn thành, kết nối với đoạn cầu cạn Pháp Vân dài 6 km, tạo thành đường trên cao vành đai 3 dài 15 km, nối với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cầu Thanh Trì. Kết nối xa hơn là quốc lộ 5 và đại lộ Thăng Long, tạo thành tuyến giao thông liên hoàn hiện đại.
Đường trên cao cũng vượt qua 3 nút giao có lưu lượng phương tiện lớn tại phía tây nam Hà Nội là nút Thanh Xuân - Khuất Duy Tiến, Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, và nút giao Trung Hòa. Gần mỗi nút giao này đều có các đường dẫn lên và xuống cho các phương tiện.
Xe máy, xe đạp và người đi bộ bị cấm đi trên tuyến cao tốc này.
Do không tạo giao cắt nên đường trên cao giải quyết xung đột giữa các phương tiện, rút ngắn thời gian lưu thông từ phía tây sang phía nam thành phố và ngược lại. Các phương tiện từ phía nam đi ra phía bắc sẽ không phải xuyên qua nội đô mà đi theo đường vành đai, nên sẽ giảm lượng phương tiện vào trung tâm.
Để hạn chế xung đột và tận dụng công năng của cầu cạn, tuyến này được dành riêng cho ôtô, còn xe máy và xe thô sơ sẽ đi phía đường bên dưới. Do vậy, hàng chục nghìn phương tiện lưu thông tại vành đai 3 được chia tách đi trên cao và trên mặt đất, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc cho tuyến huyết mạch vành đai thành phố.
Thường xuyên đi trên vành đai 3, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam đánh giá, sau khi hoàn thành, các phương tiện đi trên cao sẽ rút ngắn thời gian di chuyển ít nhất là 50% so với trước đây, bởi xe đi trên cao sẽ theo hai luồng riêng biệt, không có xung đột qua các giao cắt như trên mặt đất.
"Đây là tuyến đường mới nên cần có đầy đủ biển báo hướng dẫn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, cần ngăn chặn khả năng xe máy đi lên đường trên cao, gây mất an toàn cho các phương tiện", ông Hùng bày tỏ.
Không chỉ là đường trên cao đầu tiên ở Việt Nam, tuyến cao tốc này còn ghi nhận kỷ lục thi công vượt tiến độ của ngành giao thông Việt Nam. Các gói thầu đều về đích trước kế hoạch 5 - 6 tháng, cá biệt gói thầu Trung Hòa - Thanh Xuân vượt tiến độ tới 18 tháng.
Hơn 10 giờ sáng nay, tuyến đường trên cao đầu tiên ở Hà Nội được cắt băng khánh thành.
Để khẳng định khả năng hoàn thành dự án nếu được giải ngân kịp thời nguồn vốn, đầu năm 2012, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu và Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 Vũ Hải Thanh đã "cược" với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, nếu đoạn đường trên cao Bắc Linh Đàm - Thanh Xuân không đảm bảo tiến độ, họ sẽ xin từ chức.
Trong bối cảnh nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, ông Vũ Xuân Hoà, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án này nằm trên giải phân cách của vành đai 3, không phải giải phóng mặt bằng nên thời gian thi công được rút ngắn. Thêm nữa, ngành giao thông đã cung ứng đủ nguồn vốn kịp thời và linh hoạt; đội ngũ nhà thầu trong nước có năng lực, luôn quyết tâm nhanh chóng hoàn thành tuyến đường để phục vụ người dân đi lại thuận tiện.
Đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định, mặc dù tiến độ về đích trước thời hạn nhưng chất lượng và an toàn lao động của dự án vẫn luôn được coi trọng và không bị nơi lỏng. Tuyến đường này còn trở thành biểu tượng đẹp về sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, thể hiện rõ việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản.