Chen chân bán rủi, mua may chốn chợ Viềng
Đầu giờ chiều mùng 7, trên quốc lộ 1A, từng đoàn xe nối đuôi nhau xuôi về Chợ Viềng (Vụ Bản, Nam Định). Suốt quãng đường từ trạm soát vé tỉnh lộ 21 rẽ sang đường 56 về Vụ Bản đông nghẹt người.
Theo thông lệ chợ Viềng diễn ra đúng tối mùng 7 và ngày mùng 8. 4h chiều, ngày 7 hai bên con đường dẫn vào huyện Vụ Bản, nơi có Phủ Giầy và chợ Viềng, hàng trăm bãi xe tự phát, quầy thịt bê đua nhau mọc ra mời khách. Hàng trăm gian hàng cây cảnh ken nhau dày đặc. Đường tắc nên để đi từ ngã ba Phủ Giầy vào chợ Viềng, nhiều người phải mất hàng giờ đi bộ.
23h, các tuyến đường vào chợ Viềng vẫn ken cứng người. Ảnh: Hà Anh.
23h, các tuyến đường vào chợ Viềng vẫn ken cứng người. Ảnh: Hà Anh.
Trời vừa sẩm tối, toàn bộ khu vực chợ rộng hàng nghìn m2 chật cứng người và hàng hóa. Gian hàng nào cũng có hàng chục người vây quanh. Tiếng chào hàng, trả giá xôn xao khắp một vùng. Trong ánh sáng đỏ quạch của những bóng đèn điện từ các gian hàng phát ra, người đi chợ cố len lỏi tìm mua cho mình một món đồ vừa ý.
Lách người qua đám đông với lấy con dao phay trước mặt, chị Nhung ở phố Tây Sơn (Hà Nội) cho biết, đầu xuân gia đình chị cùng về chợ Viềng cầu may cho một năm mới làm ăn phát đạt. Rút kinh nghiệm nhiều năm trước đi muộn bị tắc đường, năm nay cả gia đình chị gồm 12 người thuê xe về từ 15h, nhưng cũng phải mất 5 tiếng mới tới nơi.
"Nghe nói đầu năm đi chợ Viềng làm ăn sẽ rất may mắn, nên 3 năm trở lại đây năm nào gia đình tôi cũng đến đây vừa du xuân vừa cầu may. Đắt rẻ gì cũng cố mua lấy một món hàng", chị Nhung nói.
Đống đồ sứ của hai người phụ nữ sát đó cũng có khá nhiều khách đến lựa chọn. Ngoài những chú trâu với giá 5.000 đồng, khá nhiều bạn trẻ chọn quả cầu may mắn được làm bằng sứ mang về làm quà cho người thân. "Quả màu hồng này em treo ở cơ quan, còn quả có in hình mặt người cười rạng rỡ kia em sẽ mang về nhà lấy may", vừa nói, cô gái tên Hương liếc mắt về cậu bạn trai cười hạnh phúc.
Các du khách hỉ hả khi mua được những món hàng ưng ý. Ảnh: Hà Anh.
Các du khách hỉ hả khi mua được những món hàng ưng ý. Ảnh: Hà Anh.
Ngồi trong gian hàng chật ních cây cảnh, chị Nguyễn Thị Hiền, Ân Thi (Hưng Yên) cho biết, đây là năm thứ năm vợ chồng chị mang hàng đến chợ Viềng bán. "Mấy năm trở lại đây, hàng đổ về chợ nhiều, bán chẳng được bao nhiêu, nhưng ai cũng muốn đến để lấy may mắn cho cả năm".
Càng về khuya dòng người đổ về khu vực chợ càng đông, phải nhích từng bước một. Suốt đêm, trong bán kính 3 km quanh khu vực chợ Viềng, người, xe như nêm. Các tuyến đường quanh chợ cũng tấp nập cảnh mua bán.
Chợ chỉ mở cửa duy nhất một lần trong năm từ đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 tháng giêng nên nhiều người dù bận mấy cũng tranh thủ ghé thăm. Dịp này các dịch vụ ăn theo cũng được dịp thỏa sức chặt chém.
Suốt từ tỉnh lộ 21 rẽ sang đường 56 về Vụ Bản, hàng trăm bãi trông giữ xe tự phát đua nhau mọc ra chặt chém du khách. Bãi nào cũng hàng trăm chiếc xe, nhưng để được gửi vào khách phải nộp 15.000-20.000 đồng mỗi lượt.
Nhiều người đến chợ Viềng mong tìm được những món đồ cổ. Ảnh: Hà Anh.
Nhiều người đến chợ Viềng mong tìm được những món đồ cổ. Ảnh: Hà Anh.
Đường đông, nhiều người đi ôtô phải gửi xe ở các bãi cách chợ hàng chục km, thuê xe ôm vào nên cánh xe ôm cũng được dịp thỏa sức hét giá. Để đi được quãng đường từ ngã ba Phủ Giầy vào chợ Viềng dài chưa đầy 3 km, khách phải trả 30.000-50.000 đồng.
Đến chợ du xuân và cầu may, nhiều người cũng phải bỏ 600.000-800.000 đồng để thuê phòng trọ qua đêm. Nhiều khách do không tìm được phòng riêng, đành chấp nhận để chủ nhà xếp cho một chỗ nằm ghép trong các gian nhà trọ đã xuống cấp với giá gần 100.000 đồng
3h sáng, chợ thưa dần. Đây cũng là lúc các ngả đường quanh chợ chật cứng. Tiếng người cười nói, còi xe như xé tan màn đêm.
Chợ Viềng được tổ chức mỗi năm một lần vào đêm mùng 7 - 8 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm. Chợ tập chủ yếu bán các mặt hàng nông dụng, cây cảnh, đồ chơi... phục vụ cho nhà nông.
Theo quan niệm của người dân địa phương, mỗi năm hội chợ Viềng mở ra để người dân bán những đồ dùng cũ người dân ở các vùng lân cận về mua để lấy may mắn đầu năm. Mua bán không mặc cả.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân hiện nay chợ Viềng đang mất dần vẻ truyền thống thời xưa. Hai năm trở lại đây, các phiên chợ rất ít đồ cũ mà đa phần là đồ mới. Hơn nữa sự nở rộ của các trò chơi "ăn tiền" cũng đang làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của chợ Viềng xưa.
Xuân Tùng - Hà Anh