XÃ HỘI >
Có việc làm, nơi ở ổn định mới nhập khẩu thủ đô Thứ sáu, 26/10/2012, 12:08 GMT+7
Với lý do mỗi năm có 50.000 người nhập cư Hà Nội, gây quá tải cho giáo dục, y tế, giao thông, sáng nay Chính phủ đề xuất công dân phải có nhà riêng hoặc nhà thuê tạm trú 3 năm liên tục... mới được nhập hộ khẩu.
Sáng nay, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp tục trình bày trước Quốc hội dự án Luật Thủ đô, sau khi dự luật này không được thông qua hồi tháng 3/2011. Theo đó, thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Nội thành thủ đô sẽ không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể một số biện pháp nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, trong đó việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội thành là bắt buộc. Hiện có kế hoạch di dời một số cơ sở này khỏi nội thành song tiến độ thực hiện rất chậm.
Ảnh: Hoàng Hà.
Muốn được đăng ký thường trú ở nội thành, phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới ở thủ đô phải dành tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở cao hơn so với quy định chung của cả nước để phát triển nhà ở xã hội; các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp nguy hiểm phải được cải tạo, xây dựng lại theo tiêu chí bảo đảm mật đô dân cư theo quy hoạch, giảm mật độ xây dựng, tăng hiệu quả sử dụng đất. Luật cũng cho phép HĐND được ban hành biện pháp để thực hiện quy định này.
Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh. Từ khi Luật cư trú ra đời, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (tăng gấp 3 lần so với trước đây). Trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông... không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư. Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng khả năng cung ứng dịch vụ công để đáp ứng số dân cư lớn như vậy.
Do vậy, Chính phủ đưa ra biện pháp hành chính về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành. Ngoài các trường hợp chuyển hộ khẩu theo chồng hoặc vợ, công dân muốn được đăng ký thường trú ở nội thành thì phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên...
Dự thảo Luật cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách như, mức phân bổ chi ngân sách cao hơn cho thủ đô; cho phép thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng Nhà nước cho thủ đô để đầu tư các công trình, dự án quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Ngoài ra, Hà Nội cũng được phép thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần trong lĩnh vực giao thông vận tải so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định.
Trong báo cáo thẩm định về dự thảo Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến nhất trí với nội dung về điều kiện nhập cư như có nhà ở, có việc làm ổn định, nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Nhưng, theo ông Lý, cũng có ý kiến cho rằng, quy định cần chặt chẽ hơn như muốn đăng ký thường trú ở nội thành thì phải đóng thuế hoặc phí cao hơn hoặc việc đăng ký thường trú ở nội thành phải do cấp chính quyền cao nhất là UBND TP Hà Nội quyết định hoặc thông qua biện pháp quản lý dân cư bằng quy hoạch, có thể quy định tăng diện tích sàn trên đầu người tối thiểu...
Một số ý kiến cũng cho rằng, nên giao cho UBND TP Hà Nội quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai để di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, đại học thay vì giao Chính phủ như hiện nay...
Sau khi thảo luận ở tổ và hội trường, dự kiến chiều 21/11, dự án Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Đoàn Loan