VietNamNet
Cầu vồng di chuyển vào Nam Định-Thanh Hóa gây mưa lớn
Cập nhật lúc 11:12, Thứ Bảy, 12/09/2009 (GMT+7)
-
Theo thông tin từ trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Nam Định – Thanh Hoá vào đêm 11/9, bão số 7 (tên gọi quốc tế là Cầu vồng) đã di chuyển chậm lại, mỗi giờ đi được khoảng 15km (so với 20km trước đó).
Bão di chuyển chậm, tăng mức độ ảnh hường
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết: “Tốc độ di chuyển của bão chậm lại sẽ khiến lượng mưa nhiều lên do thời gian chịu ảnh hưởng bị kéo dài, gió sẽ giảm dần cường độ”.
nota : Cette carte est fausse car c'est la prévision du 11 septembre et le typhon a ralenti
Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.Tốc độ di chuyển của bão chậm lại sẽ khiến lượng mưa nhiều lên
Tính đến 4h sáng 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Định - Thanh Hoá khoảng 40 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Ông Hải cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại (9h sáng), bão đã vào địa phận các tỉnh này”.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 7 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hoá.
Nư vậy khoảng sáng ngày 12/9, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá và sau đó sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn.
Đến 16 giờ ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 104,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên địa phận nước Lào.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8 và đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 2 – 4 mét. Ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, riêng Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Một cán bộ phòng chống lụt bão Nam Định mất tích
Ngày 11/9, một nữ cán bộ trong đoàn khảo sát và kiểm tra phòng chống lụt bão của tỉnh Nam Định đã bị mất tích và hiện chưa tìm được dấu vết.
Theo báo cáo của văn phòng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, nữ cán bộ này sinh năm 1961, là cán bộ huyện Giao Thủy được cử đi kiểm tra cùng đoàn kiểm tra của tỉnh.
Nguyên nhân là do 1 ca nô bị chìm của đoàn kiểm tra bị chìm do mưa lớn, gió mạnh. Hiện ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định đang huy động các nguồn lực để tìm kiếm cán bộ trên.
Ngoài ra, một số sự cố khác trên biển xảy ra trong ngày 11/9 do ảnh hưởng của mưa bão đã được thông tin sớm và khắc phục kịp thời.
Theo báo cáo của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, mực nước các sông ở Bắc Bộ đang ở mức thấp nhưng đối với miền Trung, do ảnh hưởng mưa của bão số 7, mực nước các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang lên.
Ngày 12/9, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Nam Tây Nguyên tiếp tục lên. Sông Sêrêpôk tại Bản Đôn lên mức báo động 3. Các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.
Trong đợt lũ này, các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2; một số sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 3.
Lượng mưa đo được trong ngày 11/9 tại các trạm Tiên Yên, Cửa Ông (Quảng Ninh), Văn Lý (Nam Định), Cúc Phương (Ninh Bình), Thạch Quảng (Thanh Hóa) không lớn, dao động từ 30-70mm.
Ông Lê Thanh Hải cho biết: “Khi bão chưa suy yếu thì chưa gây mưa lớn, chỉ gây gió mạnh. Trong ngày hôm nay, sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa, bão suy yếu rồi thì mưa lớn mới thực sự bắt đầu do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão”.
* Cẩm Quyên
Tàu thuyền tại Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu đã vào nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Quốc Huy