Bonjour à vous,
Merci Plopy13 de cette analyse éclairée. C'est un projet fort honorable que vous avez là, Mike,les membres de ce forum ainsi que d'autres.
Je suis certaine que vous allez faire des "heureux et heureuses". Je me permets de vous mettre cet article (désolée,je n'arrive pas à retrouver le lien) pour vous donner une idée du projet. C'est une "âme việtnamienne" que voilà..
Bonne continuation.
H.L
Người “rời bỏ Microsoft để thay đổi thế giới”
Thanh Hằng
[IMG]file:///C:/DOCUME%7E1/oanh/LOCALS%7E1/Temp/msohtml1/01/clip_image001.jpg[/IMG]
Đi thăm nhà trẻ em nghèo ở Vĩnh Long
Đang là ngôi sao của tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Microsoft với vị trí giám đốc marketing khu vực châu Á Thái Bình Dương, đùng một cái John Wood (Mỹ) nộp đơn xin nghỉ. Ai cũng ngạc nhiên, thậm chí có người còn cho đó là một hành động điên rồ. Chẳng phải tự dưng mà ông quyết định như vậy.
Tám năm làm việc tại “đế chế” Microsoft, một tương lai sáng lạn đang mở ra trước mắt đã “thua” một chuyến du khảo đến vùng núi Himalayas xa xôi, hẻo lánh năm 1998. Bởi John không thể nhắm mắt làm ngơ trước những trẻ em nghèo, không có điều kiện đến trường. TNTS đã tiếp cận ông ngay ở Việt Nam vào giữa tháng 8 vừa qua khi ông “hộ tống” một nhóm các nhà tài trợ Mỹ và Anh trong chuyến đi này.
Một buổi sáng thứ tư đẹp trời tại Khu du lịch dân tộc thiểu số ở Củ Chi (TP.HCM), hơn 200 em nữ sinh từ cấp 1 đến cấp 3 của Cần Giuộc (Long An) và Hóc Môn cùng các bậc phụ huynh đang nóng lòng chờ đợi một đoàn khách Tây. Phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị cho buổi lễ trao học bổng nữ sinh chương trình Room to Grow của tổ chức Room to Read, nhưng nét mặt các em chẳng thoáng chút mệt mỏi. Các em muốn được gặp những người đã tặng học bổng cho các em. Và đặc biệt là được nhìn thấy John của Room to Read ngoài những anh chị trong tổ chức - những người thường xuyên ghé thăm nhà để động viên các em cho dù đường đi có khó khăn đến mấy.
Chỉ có một ông Tây duy nhất trong đoàn nên có thể nhận ra ngay đó là John Wood. Người đàn ông, từng được nhận giải thưởng Anh hùng châu Á năm 2004 do tạp chí TIME bình chọn, hôm đó trông thật giản dị trong chiếc áo thun vàng, quần thì xắn lên mắt cá (ống thấp ống cao nữa chứ!), chân mang dép kẹp, tay cầm máy ảnh polaroid (in ảnh ngay sau đó). John bận luôn tay luôn chân vì các em ai cũng muốn được ông chụp ảnh. Trước sự hớn hở của các em khi nhìn thấy mình trong ảnh, John cười tươi rạng rỡ. Ngay cả lúc ăn trưa, John cũng rất chiều các em nếu ai muốn được chụp hình. Tôi ngạc nhiên khi thấy John dùng đũa thành thạo, John cho biết anh đã đến VN ba lần rồi: hai lần đầu tiên đến VN với tư cách là người của Microsoft còn chuyến đi năm 2003 là trong vai trò người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Room to Read.
[IMG]file:///C:/DOCUME%7E1/oanh/LOCALS%7E1/Temp/msohtml1/01/clip_image002.jpg[/IMG]
Một photographer chuyên nghiệp!
Nhờ “đi sai đường”
Chấp nhận “làm lại” ở tuổi 35 khi đã có rất nhiều thứ trong tay, John đã chọn con đường mới mà anh sẽ theo đuổi suốt đời: rời bỏ thế giới doanh nghiệp để gia nhập thế giới từ thiện. Năm 2000, tổ chức phi lợi nhuận Room to Read ra đời với một niềm tin “Sự thay đổi của thế giới bắt đầu khi trẻ em được đến trường” (World change starts with educated children). Từ đó đến nay, Room to Read đã huy động được hàng triệu USD để mua sách, xây trường, lập thư viện cho trẻ em ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Câu chuyện về Room to Read bắt đầu từ chuyến làm Tây ba lô ở Himalayas của John tìm một nơi yên tĩnh sau những ngày bề bộn công việc. Rồi tình cờ John gặp một người đàn ông bản xứ làm trong ngành giáo dục. Người này mời John ghé thăm một ngôi trường ở làng bên cạnh. Thay vì đi tiếp theo lịch trình, John đồng ý vì ông nghĩ đây là cơ hội để hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân địa phương.
Cái gật đầu đồng ý này đã thay đổi cuộc đời của John từ đó. Ông đã tận mắt chứng kiến sự nghèo nàn của ngôi trường này: hầu như chẳng có một cuốn sách nào dành cho học sinh cả trừ một cuốn truyện tình cảm, một cuốn hướng dẫn du lịch của Lonely Planet và đôi ba cuốn sách của du khách để lại. Chỉ chừng đó thôi nhưng là cả một tài sản quý giá của trường nên những cuốn sách này được cất kỹ trong tủ và khóa lại.
John kể lại, người ta nói rằng nếu bạn leo đến một độ cao nhất định nào đó trên dãy Himalayas thì sẽ không còn nghe tiếng “gào thét kêu gọi mọi người làm việc cật lực hơn nữa” của Steve Ballmer, tổng giám đốc (CEO) của Microsoft nữa. Do vậy mà John quyết định “kiểm tra” tin đồn này. Quả đúng vậy! Không còn tiếng gọi của công việc. Nhưng thay vào đó là “tiếng gọi” của những trẻ em không được đi học, không có sách để đọc. Và còn lời kêu gọi của hiệu trường ngôi trường nữa: “Thưa ông, chúng tôi rất mong ông sẽ quay lại đây và mang theo sách”.
[IMG]file:///C:/DOCUME%7E1/oanh/LOCALS%7E1/Temp/msohtml1/01/clip_image003.jpg[/IMG]
John Wood hòa nhập rất nhanh vào các điệu múa dân tộc ở Củ Chi
Ngay sau khi quay về nhà, John liên lạc bạn bè khắp nơi và chỉ trong vòng hai tháng, hơn 3.000 cuốn sách được chuyển đến ông. Một năm sau, ông trở lại ngôi làng, thuê một con bò để mang sách đến cho trẻ em. Rồi ông quyết định dành hết thời gian còn lại của đời mình cho công việc mới: giúp trẻ em ở các nước đang phát triển tiếp cận với sách vở.
Kể lại với phóng viên TNTS, ông cho biết: “Lúc đó tôi cũng hơi lo lắng vì nghỉ làm ở Microsoft là phải từ bỏ cuộc sống sung túc, phải từ bỏ một công việc mang lại nhiều tiền. Nhưng trong thâm tâm mình, tôi vẫn nghĩ mình phải làm một điều gì đó thật khác. Tôi tự nhủ với lòng rằng mình phải có can đảm để theo đuổi những gì mình đã chọn”. “Lo lắng là thế nhưng tôi tin rằng mình làm được vì tôi cũng đã tiết kiệm được một số tiền, có được sự ủng hộ hết mình của cha mẹ và nỗ lực của bản thân trong mọi công việc”, John cho biết.
Microsoft trong lĩnh vực từ thiện
Rời “người khổng lồ” về công nghệ thông tin này, John ngay từ đầu đã đặt ra mục tiêu là xây dựng Room to Read thành một Microsoft trong lĩnh vực từ thiện. John cho biết có nhiều tổ chức từ thiện không được quản lý hiệu quả, thiếu những mục tiêu lớn và không xây dựng được đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Các công ty lúc nào cũng tìm kiếm, nâng cấp và cải thiện các phương pháp hoạt động và quản lý để có thêm nhiều khách hàng. Và Room to Read thì đặt ra quyết tâm phải hoạt động thật chuyên nghiệp để có thể đến với nhiều trẻ em hơn. “Chúng tôi đã quy tụ được những người từng làm việc cho các công ty lớn trên thế giới như Goldman Sachs, Gap... Mục tiêu của chúng tôi là giáo dục trẻ em nhưng chúng tôi hoạt động như một công ty thực thụ”, John cho biết.
Marc Andreessen, người sáng lập tập đoàn truyền thông Netscape đồng thời là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Room to Read, nhận xét: “John đã áp dụng những phương thức hoạt động của doanh nghiệp vào tổ chức từ thiện. Nói rõ hơn, đó là làm từ thiện với tư duy thực dụng. Giống như Microsoft, John lúc nào cũng đòi hỏi phải có kết quả, kết quả”. Còn John thì tóm gọn đơn giản: Sức mạnh của Room to Read là nhờ sự kết hợp giữa tình thương và cách làm việc chuyên nghiệp của thế giới kinh doanh.
John Wood là tác giả cuốn sách Leaving Microsoft to Change the World (xuất bản năm 2000) (tạm dịch: rời bỏ Microsoft để thay đổi thế giới). Trong sách, John kể lại cuộc hành trình, đem lòng nhiệt huyết và khả năng lãnh đạo của mình để góp phần giải quyết một vấn nạn của cả thế giới: tình trạng mù chữ.
“Room to Read đang dần trở thành một thương hiệu toàn cầu trong lĩnh vực này”, John khẳng định. Chính vì vậy mà rất nhiều tên tuổi lớn của giới doanh nghiệp đã cùng đồng hành với tổ chức này trong những năm qua, đó là: Accenture, Better World Books, Goldman Sachs, Credit Suisse, CBRE, Dow Corning, Prudential, Boeing, Microsoft, Google...
Ngoài sự hỗ trợ của những tổ chức này, Room to Read cũng đã thuyết phục được rất nhiều nhà hảo tâm trên toàn thế giới. John cho biết ông di chuyển liên tục, hết Tokyo, đến Hồng Kông, Singapore, Canada và khắp nơi trên nước Mỹ để vận động. “Nhưng tôi rất hạnh phúc vì đi đến đâu cũng có người chờ đợi mình”, John cho biết. Thuyết phục các nhà tài trợ là chuyện không hề đơn giản.
Bí quyết thành công của Room to Read là không để các nhà tài trợ mơ hồ về số tiền mà họ tặng. Đó cũng là lý do mà John thường xuyên “hộ tống” các nhà tài trợ đến tận nơi để họ được nhìn thấy trực tiếp những thay đổi mà họ đã mang lại cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở những nước đang phát triển. John cho biết có lần John dẫn một phụ nữ Nhật đến Campuchia. Xúc động trước niềm hạnh phúc lớn lao của một em bé người Campuchia khi được nhận học bổng của Room to Read, bà đã trở thành một trong những nhà tài trợ lớn của tổ chức này.
[IMG]file:///C:/DOCUME%7E1/oanh/LOCALS%7E1/Temp/msohtml1/01/clip_image004.jpg[/IMG]
Cùng nhà tài trợ trao học bổng cho nữ sinh - Ảnh: Đ.N.T
Nhờ “tập hợp” được sức mạnh đó mà Room to Read đã đến được với hơn 1.3 triệu trẻ em tại 6 nước: Nepal, Việt Nam, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Ấn độ và trong năm 2007 bắt đầu ở Nam Phi.
Khi được hỏi tại sao chọn Việt Nam, John trả lời ngắn gọn: “Tôi yêu Việt Nam”. Trước khi thành lập Room to Read, John đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để gây quỹ giúp đỡ những người vô gia cư ở Chicago, Seattle (Mỹ) và hỗ trợ các tổ chức từ thiện hoạt động ở Việt Nam. John rất ray rứt về hoàn cảnh của những đứa bé không được đến trường từ lúc còn làm ở Microsoft. Trong những chuyến công tác sang Việt Nam, John gặp và nói chuyện với những trẻ em thiệt thòi. John bàng hoàng khi biết được rằng cha mẹ chúng không có đủ tiền để đưa chúng đến trường. “Làm sao chúng ta có thể sống trong một thế giới nơi mà chỉ vì không có đủ chỉ 5 USD/tháng mà trẻ em đành phải ngồi nhà?”. Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu John. Và bất kỳ chuyến đi nào, John cũng tranh thủ tiếp xúc với giáo viên địa phương.
John cho biết Room to Read sẽ đẩy mạnh các hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là chương trình xây dựng trường học và thiết lập thư viện. Tại buổi lễ trao học bổng ở Củ Chi, gương mặt John lúc nào cũng rạng ngời. Không riêng gì John, cả đoàn khách Tây đã thật “tự nhiên” khi cùng với các em chơi trò chơi dân gian, hát múa. Chỉ có một điều duy nhất mà John thấy tiếc. Ông chỉ ước gì hàng trăm nhà tài trợ có mặt ở đây để được nhìn thấy các em vui chơi, để biết rằng họ đã mang lại nụ cười cho các em. Bởi tâm nguyện duy nhất của John là “muốn giúp đỡ càng nhiều trẻ em, ở bất kỳ nơi đâu mà trẻ em cần giúp đỡ”.
4 điều John Wood tâm đắc nhất trong cuộc sống
Trước câu hỏi này, John đã dành toàn bộ suy nghĩ của mình cho Room to Read:
- Thành lập Room to Read.
- Chương trình thiết lập thư viện đang “bành trướng” với tốc độ có thể nói là nhanh nhất: trung bình mỗi ngày cứ 6 tiếng là có 1 thư viện ra đời.
- Sự phát triển nhanh của Room to Read.
- Sự làm việc tận tâm và nhiệt tình của các nhân viên. Với John, họ mới là những “anh hùng” thực sự. “Tôi chỉ đứng diễn thuyết và kêu gọi mọi người đóng góp. Còn họ mới chính là những người thực hiện”.
Room to Read đã làm được những gì ở 6 nước châu Á?
- Xây 287 trường học
- Thiết lập 3.870 thư viện
- Xuất bản 146 đầu sách song ngữ với hơn 1.3 triệu cuốn
- Tặng 1.4 triệu cuốn sách thiếu nhi bằng tiếng Anh
- Tài trợ 3.448 suất học bổng cho các nữ sinh
- Thiết lập 136 phòng vi tính và nghe nhìn
Những giải thưởng dành cho John Wood
- Draper Richards Fellowship
- Skoll Foundation
- Social Capitalist của tạp chí Fast Company và The Monitor Group
- Anh hùng châu Á của tạp chí TIME (John là người duy nhất không phải là người châu Á được trao tặng giải thưởng này)