(LĐO) - Chủ nhật 14/04/2013 17:16
Trang chủ | Sci - Tech | Công nghệ
Xuất phát từ thực tế mỗi lần bơm tưới xoài, Toản phải mất công đi bộ cả cây số để đóng-mở nguồn điện, anh đã tự mình mày mò sáng chế, cải tiến ra bộ đóng mở nguồn điện độc đáo “có một không hai” chỉ bằng một cú "alô".
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa khi chủ nhân sáng chế này là anh nông dân chỉ mới học hết lớp 6.
Chỉ cần "alô"
Lúc chúng tôi mới bước vào ngõ nhà anh nông dân Nguyễn Thái Toản (27 tuổi, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, Đắc Nông) thì Toản “chân lấm tay bùn” chạy vội ra đón và nhanh chóng dẫn chúng tôi vào rẫy để “trình diễn” sáng chế “cực dị” của mình.
Toản bảo chúng tôi cầm ống nước đứng ngay chỗ cầu dao điện, còn cậu chạy xe máy lên đỉnh đồi, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 500m và gọi điện thoại cho ai đó.
Lúc chúng tôi nghe tiếng nhạc chuông điện thoại chỗ cầu dao điện kêu thì bỗng nghe tiếng nước ộp oạp trong đường ống rồi nước phun ra xối xả và kỳ lạ là không có ai bật cầu dao. Sau đó Toản gọi thêm lần nữa thì nước ngừng chảy.
Thấy chúng tôi “mắt tròn mắt dẹt” ngạc nhiên, Toản thò tay vào túi móc chiếc điện thoại cùi bắp ra và nói một cách khoái chí: “Tất cả ở trong đây nè”.
Dẫn chúng tôi đến chỗ đặt bộ thiết bị điều khiển, Toản kể chiếc điện thoại di động chỉ là một phận trong bộ điều khiển đóng-ngắt nguồn điện bằng điện thoại của anh. Theo Toản, bộ điều khiển bằng điện thoại mà anh sáng chế gồm có hai chiếc điện thoại, một bộ cảm biến ánh sáng và một động cơ quay để đóng-ngắt cầu dao.
Bộ điều khiển đóng-ngắt điện bằng điện thoại hoạt động theo nguyên lý khi có cuộc gọi đến, chiếc điện thoại lắp chỗ cầu dao sẽ phát sáng, bộ phận cảm biến ánh sáng tiếp nhận và phát ra một luồng điện tác động lên động cơ quay làm đóng hoặc ngắt cầu dao điện.
Khi thấy chúng tôi phần nào hiểu về nguyên lý hoạt động của bộ điều khiển, Toản tiếp tục “khoe” về những tính năng “ưu việt” của loại thiết bị này. Toản kể, bộ điều khiển hoạt động bằng sóng điện thoại nên thiết bị này có thể đóng-mở nguồn điện ở cự ly không giới hạn, miễn có sóng là có thể hoạt động.
Cũng theo Toản, thiết bị đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại ngoài đóng-ngắt nguồn điện chỉ bằng một cú alô, còn có khả năng phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môtơ bơm nước rất hiệu quả. “Máy bơm thông thường chỉ có môtơ, dây điện nên không an toàn, thường dễ chập điện, gây cháy nổ, còn thiết bị đóng-mở nguồn điện của mình có lắp thêm cầu dao an toàn nên có khả năng đóng=ngắt tự động khi gặp sự cố”- Toản giải thích.
Dẫn chúng tôi qua khu rẫy cạnh nhà, Toản kể hiện tại Toản sử dụng 2 bộ điều khiển đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại. Ngoài thiết bị đóng-mở nguồn điện có gắn thiết bị cảm biến ánh sáng vừa “khoe”, Toản cho chúng tôi xem một bộ điều khiển đóng-mở nguồn điện khác. “Bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện này cải tiến sau cùng, cũng dựa trên sóng điện thoại, chỉ thay thiết bị cảm biến ánh sáng bằng các mạch điện của chiếc đầu đĩa nghe nhạc. Khi có cuộc gọi đến, điện thoại gắn ở cầu dao sẽ phát ra nguồn điện tác động vào nút điều khiển trên đầu đĩa, làm quay động cơ để kích hoạt cầu dao điện”- Toản vừa cười vừa khoe bộ thiết bị điều khiển điện mới cải tiến.
Sáng tạo để đỡ vất vả
Chỉ cần alô, Toản có thể đóng-mở nguồn điện ở khoảng cách... không giới hạn, miễn bắt được sóng. Ảnh. Hữu Phúc
Toản cho biết - động lực để anh chế tạo ra bộ điều khiển điện độc đáo này cũng chỉ vì muốn đỡ vất vả trong công việc. Toản tâm sự, do nhà đông anh em nên Toản học hết lớp 6 rồi nghỉ, ở nhà phụ gia đình làm kinh tế. Nhà Toản trồng xoài, mỗi lần tưới phải đi bộ lên xuống dốc cả cây số để đóng-mở cầu dao rất vất vả, lại mất công, đó là chưa kể nhiều lần Toản bị trẹo chân, té ngã do nôn nóng chạy vội đóng cầu dao. Từ vất vả trong công việc, nhiều lần Toản nung nấu ý định sẽ chế tạo ra bộ điều khiển chỉ cần đứng một chỗ là có thể đóng-mở nguồn điện.
Ý định càng có cơ sở khi một lần ở nhà chơi với em, Toản theo dõi hoạt động của chiếc xe đồ chơi điều khiển của Trung Quốc và nhận thấy 2 bộ phận quan trọng làm xe chạy được là động cơ và bộ điều khiển cầm tay. Chính bộ điều khiển tác động vào động cơ bằng sóng radio làm xe chạy. Lúc này, trong đầu Toản nảy sinh ý nghĩ sẽ lắp bộ điều khiển cầm tay và động cơ vào cầu dao điện 1 pha để đóng-mở nguồn điện.
Nghĩ thế, Toản đập heo đất, lấy hết tiền mua máy hàn, ốc vít về mày mò, chế tạo. Khi lắp xong, Toản cầm điều khiển chạy ra xa khoảng 50m rồi bắt đầu ấn. Một giây, hai giây, ba giây, đến giây thứ tư thì ống nước rung rung, nước phun trào bắn tung tóe khắp nơi trong sự sung sướng, hạnh phúc của chàng nông dân trẻ tuổi.
Sau khi chế tạo thiết bị đóng-mở nguồn điện thành công, Toản không hề thỏa mãn mà liên tục cải tiến. Toản nhận thấy các máy bơm đang lưu hành đều sử dụng điện 3 pha nên quyết định lắp bộ thiết bị điều khiển lên cầu dao điện ba pha, vẫn sử dụng sóng rađiô; sau đó lắp thêm ăngten để tăng phạm vi điều khiển của bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện.
Sau thời gian ứng dụng thực tiễn, Toản nhận thấy bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện có những điểm yếu là phạm vi điều khiển hẹp, sóng rađiô chập chờn, nhiều lúc ấn nút điều khiển nhưng cầu dao không đóng-mở, thiết bị cồng kềnh khó mang theo trên người nên anh nung nấu ý định nâng cấp.
Đến năm 2011, lúc điện thoại di động đang sử dụng rộng rãi, Toản nhận thấy bộ điều khiển điện bằng điện thoại có thể giải quyết các nhược điểm của bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện cũ nên bắt tay vào chế tạo. 2 tháng sau, Toản cho “ra lò” bộ điều khiển đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại gồm 2 điện thoại, 1 bộ cảm biến ánh sáng, 1 động cơ quay nhỏ để đóng-ngắt cầu dao.
Đến năm 2012, khi bộ phận cảm biến ánh sáng trong bộ điều khiển nguồn điện bị hỏng, Toản lấy một một phần mạch điện trong chiếc đầu đĩa hư để lắp thay bộ phận cảm biến ánh sáng để cho ra bộ thiết bị điều khiển nguồn điện bằng điện thoại “phiên bản mới” đang được sử dụng như bây giờ.
Sáng chế hữu ích
Toản kể, vụ xoài năm ngoái gia đình thu được 700 triệu đồng, thuộc nhóm cao nhất xã. Toản bảo có nhiều yếu tố tạo nên kết quả này, trong đó có cả chiếc điện thoại di động với tính năng đóng-mở cầu dao máy bơm điện do anh chế tạo. Toản cũng cho biết, 1 bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại nếu chế tạo phải mất khoảng 2,5 triệu động. Từ lúc sáng chế ra bộ điều khiển hữu dụng này, nhiều hàng xóm đến xem và đã “đặt hàng” Toản.
Ông Phạm Đức Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn - nhận xét: Sau khi nghe thông tin cháu Toản chế tạo ra bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện, chúng tôi đã xuống tận nhà kiểm tra thì nhận thấy bộ thiết bị này rất hữu ích, nếu được đưa vào sử dụng sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của bà con nông dân. Thế nhưng bộ thiết bị đóng-mở nguồn điện này được lắp ráp từ các thiết bị có sẵn nên giá thành hơi cao. Nếu cải tiến, tinh giản để hạ giá thành sẽ thiết thực hơn.
Được biết, ông Hoàng Công Thắng- Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil- khi nghe tin Toản chế tạo bộ thiết bị điều khiển đóng-mở nguồn điện bằng điện thoại đã xuống tận nhà để “thực mục sở thị”. Ông Thắng cũng hứa sẽ hỗ trợ kinh phí nếu bộ thiết bị này tiếp tục được cải tiến để đưa ra thị trường.
TAGS | điện thoại điều khiển điện , bộ điều khiển , cảm biến , điều khiển , chế tạo , cải tiến , mô tơ , nút điều khiển , nguyên lý , nông dân